Vé máy bay những ngày cận tết bất ngờ "hạ nhiệt"
Từ tuần đầu tiên của tháng 9,ậpphồngvétàuxetếsân cầu lông gần đây các hãng hàng không đã dồn dập mở bán vé tết. Năm nay, Vietjet thông báo sẽ cung ứng 2,5 triệu vé cho toàn mạng bay dịp Tết Giáp Thìn 2024; Vietravel Airlines và Bamboo Airways đều lên kế hoạch khai thác hơn 100.000 ghế trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ ngày 25.1 - 24.2.2024 (tức 15 tháng chạp năm Quý Mão đến 15 tháng giêng năm Giáp Thìn); Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) sẽ cung ứng 3 triệu chỗ, tương ứng 15.000 chuyến bay trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế.
Tuy nhiên, rậm rịch bán vé tết từ trước 6 tháng nhưng đến nay tình hình bán vé của các hãng hàng không vẫn chưa ghi nhận tăng trưởng đột biến. Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Vietnam Airlines cho biết hiện tại các chuyến bay trước tết chiều từ miền Nam ra và các chuyến bay sau tết từ miền Bắc, miền Trung vào đều đang còn chỗ. Mặc dù chưa quá "nóng" nhưng nhiều khách cũng đã tranh thủ mua vé từ sớm để chọn được giờ bay đẹp theo mong muốn. Hành khách tập trung mua vé trên các chặng từ TP.HCM đến các tỉnh thành miền Bắc và miền Trung như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng, Huế, Buôn Ma Thuột, Pleiku... Hãng hàng không quốc gia dự báo lượng hành khách đi lại dịp Tết Nguyên đán 2024 sẽ tương đương với năm 2023. Do đó, số lượng chuyến bay các tuyến cũng sẽ mở bán ngang với năm ngoái, kể cả trên các đường bay ghi nhận tỷ lệ lấp đầy chỗ nhanh như tuyến TP.HCM - Thanh Hóa, TP.HCM - Huế, TP.HCM - Đà Nẵng…
Tình hình bán vé tết của Bamboo Airways cũng chưa có gì "hot". Những chặng có số lượng chuyến bay nhiều nhất như TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng… của hãng này vào những ngày cao điểm tết vẫn còn khá nhiều chỗ trống. Trong khi đó, đại diện Vietravel Airlines thông tin tính đến ngày 2.11, Vietravel Airlines ghi nhận các chặng bay có lượt khách đặt chỗ cao trong giai đoạn tết lần lượt là TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Quy Nhơn. Trong đó, chuyến bay chặng TP.HCM - Hà Nội đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 75% cho giai đoạn cận tết và thời gian trong tết từ 11 - 13.2.2024 (tức mùng 2 đến mùng 4 tết).
Các chuyến bay đến Đà Nẵng của hãng cũng có lượt đặt chỗ cao. Mặc dù vậy, lãnh đạo Vietravel Airlines vẫn nhận định nền kinh tế VN 10 tháng qua đã phải nỗ lực vượt qua những thách thức về tiền tệ, lạm phát, tình hình chiến sự căng thẳng đang diễn ra trên thế giới một phần đè nặng lên các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Một số doanh nghiệp có tình trạng đơn hàng sụt giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp... dẫn đến việc phải cắt giảm nguồn nhân lực, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và nhu cầu di chuyển dịp cuối năm của người lao động.
Thực tế, nếu so với giai đoạn mới mở bán, vé máy bay thời điểm hiện nay có giảm giá nhẹ. Đơn cử, khảo sát hồi cuối tháng 9, giá vé thấp nhất của Hãng hàng không Vietjet nhằm ngày 27 tết âm lịch (6.2.2024) trên chặng TP.HCM - Hà Nội gần 3,3 triệu đồng/chiều, nay còn nhiều chỗ giá 3 triệu đồng. Thời điểm đó, vé của Vietravel Airlines trên cả 3 chuyến bay trong ngày đều trên 3,5 triệu đồng/chiều, bây giờ giảm còn hơn 3,2 triệu đồng/chiều.
Nhỉnh hơn một chút, đa số chuyến bay của Bamboo Airways ở mức hơn 3,6 triệu đồng/chiều, có 2 chuyến bay trưa và đêm gần chạm trần là hơn 3,64 triệu đồng, giảm không đáng kể so với mức 3,67 triệu đồng nếu đặt hồi tháng 9. Gần 20 chuyến bay trong ngày của Vietnam Airlines trước đó đều "đồng giá" hơn 3,62 triệu đồng/chiều, giờ giảm còn 3,575 triệu đồng/chiều. Tuy nhiên, có 5 chuyến bay trải đều từ 8 - 12 giờ hiện đã hết vé thường, chỉ còn vé hạng thương gia hơn 9,8 triệu đồng/chiều.
Vé chặng TP.HCM - Đà Lạt không tăng giá nhiều so với ngày thường, dao động từ hơn 1,3 triệu đồng - hơn 1,4 triệu đồng những ngày cận tết với hãng Vietjet; Vietnam Airlines giá vé hơn 1,7 - hơn 1,8 triệu đồng/chiều. Pacific Airlines trong ngày 26 - 27 âm lịch chỉ có 1 chuyến duy nhất, cũng là chuyến đắt nhất - gần 2 triệu đồng/chiều.
Đáng chú ý, năm nay do ngày 27 tết rơi vào thứ ba nên nếu sắp xếp được các gia đình có thể nghỉ trước thêm một ngày để tận dụng thêm 2 ngày cuối tuần trước đó, về quê từ 23 - 24 tháng chạp (3 - 4.2.2024). Do đó, rất nhiều chuyến bay trong 2 ngày này của hãng Vietjet giai đoạn đầu mới mở bán chỉ có giá hơn 1,4 triệu đồng/chiều, nay đã tăng lên 2,9 triệu đồng/chiều. 9 chuyến bay từ sáng đến đầu giờ chiều của Vietnam Airlines ngày Tết ông Công ông Táo cũng đều hết vé hạng thường, chỉ còn vé hạng thương gia hơn 9,8 triệu đồng/chiều.
Nhu cầu có dồn sang đường sắt, đường bộ ?
Bên cạnh đó, ngành đường sắt đang ra sức triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm hút khách trong bối cảnh vé máy bay đang bị "chê" quá cao. Đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, ngành đường sắt đã tổ chức bán vé từ 8 giờ ngày 20.10. Chỉ sau 3 ngày mở bán, Tổng công ty Đường sắt VN đã "bán vèo" khoảng 41.000 vé tàu tết. Ngay sau đó, những thông tin các công ty đường sắt Hà Nội, Sài Gòn lần lượt lãi "khủng", nhiều tuyến tàu được nâng cấp, cải thiện với những khoang tàu "sang, xịn, mịn" càng dấy lên niềm hy vọng đường sắt sẽ "thừa thắng xông lên".
Thế nhưng, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn Thái Văn Truyền lại cho biết tình hình bán vé tết đang có dấu hiệu chững lại. Sau hơn 10 ngày mở bán vé, tổng số vé đã thanh toán khoảng hơn 57.000 vé. Hiện nay, vé tàu Tết Giáp Thìn 2024 còn nhiều ở tất cả các tuyến, các ngày.
Về giá vé, do giá nhiên liệu tăng khoảng 6 - 7% so với cùng kỳ và một số chi phí đầu vào tăng nên giá vé cao điểm tết cũng phải điều chỉnh tăng từ 1 - 4% tùy ngày, cung - chặng, loại tàu… Chiều ngược lại giảm từ 1 - 8% so với cùng kỳ năm trước. Bù lại, ngành đường sắt đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ hành khách đi tàu như giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng; giảm 3% giá vé cho các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 8.2.2024 (tức ngày 29.12 âm lịch) và đi từ 1.000 km trở lên; giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé khứ hồi, đặc biệt sinh viên sẽ được giảm từ 10-20% giá vé tùy theo ngày đi tàu. "Một phần do tình hình kinh tế khó khăn, một phần khác có thể do tết còn xa nên bà con chưa bố trí. Dù vậy, Vận tải đường sắt Sài Gòn xác định vẫn sẽ bán hết vé tết vì số lượng vé tàu không nhiều", ông Thái Văn Truyền thông tin thêm.
Thường lên kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán muộn hơn đường sắt và hàng không nhưng năm nay vận tải đường bộ bằng xe khách liên tỉnh khu vực phía nam cũng đã phải chuẩn bị sớm hơn do xuất hiện một số xáo trộn. Các địa phương đã phải huy động hàng trăm chuyến xe tăng cường chặng TP.HCM đi Đà Lạt, Cần Thơ khi Công ty TNHH Thành Bưởi dừng chở khách.
Thống kê từ Sở GTVT TP.HCM cho biết trong 1 tuần từ 27.9 - 3.10, nhà xe này thực hiện 896 hợp đồng chở khách từ TP.HCM đi Lâm Đồng và ngược lại. Tức riêng chặng trên, bình quân mỗi ngày hãng có hơn 100 chuyến, cao hơn nhiều so với doanh nghiệp khác chạy tuyến cố định ở các bến xe liên tỉnh. Vì thế, dù lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM khẳng định sẽ tăng cường điều phối xe đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trên các tuyến này, nhất là những dịp cao điểm lễ, tết, cuối tuần, song nhiều người dân vẫn rất lo lắng.
Vé tết năm nay không chỉ có sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không mà còn là sự cạnh tranh giữa thị trường hàng không với thị trường đường bộ và đường sắt, vì 2023 là một năm đầy biến động với nền kinh tế khiến người lao động thắt chặt chi tiêu dịp cuối năm hơn. Do đó, Vietravel Airlines và các hãng hàng không đã xem xét đưa ra mức giá phù hợp cho mỗi sản phẩm vào đường bay dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, Vietravel Airlines sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức trách hàng không để xin tăng tần suất các chặng bay có nhu cầu di chuyển lớn.
Một lãnh đạo Vietravel Airlines